“ĐỨNG TÊN GIÙM” – NHỮNG RỦI RO PHÁP LÝ LIÊN QUAN
“Đứng tên giùm” – cái tên đã không còn xa lạ hiện nay. Với nền kinh tế thị trường, hiện nay việc đứng tên giùm diễn ra hàng ngày, và đương nhiên hành vi này trái quy định pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra người đứng tên giùm có thể phải gánh chịu những rủi ro pháp lý nào?
Bài viết này chỉ đề cập đến hành vi đứng tên giùm làm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.
Bản chất của “đứng tên giùm”
Theo quy định tại Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam”, trừ các trường hợp sau:
(i) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
(ii) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
(iii) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
(iv) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
(v) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
(vi) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng. Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
(vii) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, có thể hiểu một số trường hợp cá nhân, tổ chức không thể tự mình thành lập và quản lý doanh nghiệp. Như vậy, thị trường sẽ phát sinh những cá nhân/tổ chức nêu trên có nhu cầu kinh doanh có thể sẽ nhờ đứng tên giùm. Hoặc có những cá nhân là người nước ngoài không đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam nên nhờ các cá nhân Việt Nam đứng tên giùm.
Thực tế, giao dịch đứng tên giùm là giao dịch trái quy định pháp luật, nhưng thường sẽ là giao dịch đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi hoạt động kinh doanh thua lỗ, buôn bán các hàng hóa/dịch vụ bị cấm, không thực hiện các nghĩa vụ với cơ quan nhà nước như tiền thuế, bảo hiểm xã hội và các nghĩa vụ khác với cơ quan nhà nước.
Rủi ro pháp lý liên quan
- Trách nhiệm dân sự
Doanh nghiệp khi kinh doanh trong tình trạng thua lỗ có thể sẽ phát sinh những nghĩa vụ như: nợ tiền đối tác/khách hàng, nợ tiền thuế, nợ tiền bảo hiểm xã hội,… buộc người đại diện pháp luật công ty phải giải quyết theo quy định pháp luật.
Trường hợp Công ty chưa góp đủ vốn như đã cam kết, người đứng tên giùm có thể phát sinh trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
Trách nhiệm hành chính
Tại Điều 43 Nghị định 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.”
- Trách nhiệm hình sự
Trường hợp công ty thực hiện những hành vi như trốn thuế; gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hoặc thực hiện những hành vi trái pháp luật khác thì có thể phát sinh trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi.
Trường hợp công ty thực hiện những hoạt động kinh doanh trái pháp luật thì người đại diện theo pháp luật của Công ty là người đầu tiên chịu trách nhiệm giải quyết theo quy định như: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm,…
Ngoài những rủi ro nêu trên, người đứng tên giùm có thể rơi vào tình trạng không thể chấm dứt tồn tại của việc đứng tên giùm, bởi những lý do: Công ty không thể hoàn thành việc quyết toán thuế TNCN của người nước ngoài do không kê khai thuế thu nhập ở nước ngoài, người nước ngoài không chi trả tiền để hoàn thành nghĩa vụ bảo hiểm, hoàn thiện sổ sách kế toán…
Trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến việc đứng tên giùm, bạn có thể liên hệ 0777 92 39 68 để được Luật sư tư vấn chi tiết.